Cũng như nhiều phân khúc địa ốc khác (đất nền, nhà phố, biệt thự…), phân khúc văn phòng cho thuê tại TP.HCM đang liên tục biến động, đòi hỏi chủ đầu tư cần phải chuyển mình...
Nguồn cung ít, giá tăng cao
Báo cáo của Doanh nghiệp tư vấn bất động sản Việt Nam (CBRE) về thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM trong quý 1/2017 cho thấy, các tòa tháp hạng B có giá thuê 22 USD/m2 một tháng, tăng 4,8% so với quý trước và 11,5% so với 12 tháng qua. Tương tự, các tòa nhà hạng A giá thuê 37 USD/ m2 một tháng, tăng 1,2% so với quý trước và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo CBRE, tỷ lệ văn phòng trống ở cả hạng A và B đều rất thấp bởi các tòa nhà đa phần đã được lấp đầy. Đồng thời, khách thuê chủ yếu thuộc ngành công nghệ thông tin, logistics (chiếm 12% tổng số đơn hàng) và tài chính ngân hàng (7%)... Một thông tin nữa, diện tích cho thuê hút khách nhất ở trong khoảng 100-300 m2 (chiếm 45% tổng đơn hàng) và nhu cầu đối với diện tích hơn 1.000 m2 cũng chiếm tới 19% (năm ngoái chỉ ở mức 7%).
Nguyên nhân giá thuê các cao ốc cho thuê văn phòng leo thang được lý giải là do nguồn cung “khiêm tốn”. Cụ thể, trong quý 1 vừa qua, văn phòng hạng A không có nguồn cung mới, trong khi hạng B chỉ ghi nhận một tòa nhà được đưa vào khai thác, song tổng diện tích cho thuê chỉ vào khoảng 5.500 m2. Chính sự khan hiếm nguồn cung cộng thêm nhu cầu tăng cao đã kích giá thuê tiếp đà “bứt tốc”.
Nghiên cứu về thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng cho hay, tổng nguồn cung đã không thay đổi đáng kể trong nửa đầu 2017, tức tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài đến quý 2/2017. Thống kê của JLL còn cho thấy, nguồn cung văn phòng cho thuê tại TP.HCM đến cuối quý 1/2017 xấp xỉ 1,8 triệu đồng/m2 sàn và phải đến quý 3 năm nay mới có thêm 2 tòa tháp hạng A (tọa lạc tại đường Lê Lợi và Lê Duẩn, Q.1) gia nhập thị trường.
Bài toán giữ chân người cũ...
Báo Người Tiêu Dùng cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh và nhận thấy, diện tích văn phòng cho thuê tại khối đế nhiều tòa chung cư (thuộc phân khúc hạng C) hiện khá lớn. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại đang gặp khó khăn trong thu hút khách thuê (chẳng hạn chủ dự án Dreamhome luxury, Q.Gò Vấp và dự án Thủy Lợi 4, Q.Bình Thạnh). Đồng thời, cũng đã xuất hiện tình trạng khách hàng chuyển từ tòa nhà văn phòng hạng B và hạng C sang tòa nhà văn phòng hạng A. Do đó, bài toán thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ đang trở nên hóc búa.
Chị Hoài, một môi giới có kinh nghiệm trong phân khúc văn phòng cho thuê tại Q.1 dự báo: Thời gian tới, tỷ lệ khách thuê dịch chuyển từ văn phòng này sang văn phòng khác sẽ gia tăng, là bởi xu hướng cần văn phòng có không gian làm việc chung đã “bắt đầu nở rộ”.
Cũng theo chị Hoài, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ cần diện tích 20-40 m2 để hoạt động (trong khi các tòa cao ốc thường cho thuê ít nhất 200 m2) và họ lựa chọn những mặt bằng lớn để làm việc chung, tiết kiệm chi phí…
Một báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho hay, giai đoạn 2011-2016, thị trường lao động tại đô thị lớn nhất nước này đã tạo ra 350.000 việc làm, tăng trưởng 1,5% mỗi năm. Hơn nữa, mức tăng gấp 2 lần của nguồn vốn FDI kể từ năm 2010 cũng thúc đẩy việc thành lập các công ty mới tại đây. Và như thế, nhu cầu thuê văn phòng chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu cả về chất và lượng (với việc phát sinh các loại hình thuê mới) đã và đang là sức ép của phân khúc bất động sản này. Do đó, đòi hỏi nhà đầu tư, đặc biệt đói với các tòa nhà hạng B và C, cần phải nỗ lực chuyển mình, giải quyết tốt bài toán giữ chân người cũ và thu hút người mới trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trung Thanh, quản lý bộ phận cho thuê của một công ty địa ốc tại TP.HCM lý giải, việc thu hút khách thuê văn phòng tại khối đế chung cư gặp nhiều khó khăn, là do khách thuê đang ngày càng quan tâm đến chất lượng dịch vụ tại tòa nhà. Trong khi, khối đế chung cư không mang tính hỗn hợp, ít yếu tố văn phòng...
Vũ Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Copy biểu tượng vào khung comment